Nghề làm biển quảng cáo liên quan như thế nào với marketing?

Nguyễn Thị Phương Hoa - 06/06/2020 - 2 bình luận

Theo số liệu năm 2010 của hiệp hội quảng cáo Việt Nam thì nhân sự ngành quảng cáo ở Việt Nam khoảng 70.000 người trong 7000 công ty quảng cáo khác nhau. Trong số đó có nhiều là người làm trong các tập đoàn lớn, nhưng rất nhiều là ở các công ty nhỏ. 2/3 là người trẻ dưới 30 tuổi. Hầu như ít được đào tạo chính thống và không biết nhiều về nghề khi mới bắt đầu.

Nghề làm biển quảng cáo đã từng rất ok

Nghề quảng cáo kiểu cũ khá thơm ngon cách đây 15-20 năm. Nghề của những lãng tử khéo tay. Giờ đây nó vẫn là nghề kiếm cơm của mọi người trong ngành. Nhưng nó đang khác. Để đi tìm câu trả lời mới hơn về nó, cái nhìn khác về nghề, bắt đầu từ đây ta sẽ gọi nghề quảng cáo là "kiểu cũ". Nhưng câu hỏi đặt ra là ta hiểu gì về nghề và tương lai của nghề quảng cáo "kiểu cũ"

(Bài viết này không tính đến người buôn bán vật liệu, buôn bán máy móc ngành quảng cáo. Họ am hiểu nghề nhưng họ đến từ một thế giới khác chúng ta, bản chất của họ là thương mại.)

Nghề quảng cáo kiểu cũ nằm trong marketing rộng lớn 

Có lẽ 75% hoặc hơn người làm "nghề quảng cáo" không biết về các khái niệm về marketing trong khi họ tức là bạn và tôi là một phần của marketing, xin nhắc lại là một phần, đối với marketing đây là một công cụ tốt nhưng thô sơ, rất giống rìu đá của người tối cổ.

Tại sao lại thế?

Nghề quảng cáo kiểu cũ không như các công việc khác, nó không được đào tạo hoàn chỉnh trong trường đại học, trường nghề, và chỉ có một trường duy nhất giúp ta hoàn thiện: Trường đời. Lẽ dĩ nhiên không có bằng cấp nào thể hiện được rằng ta đã tốt nghiệp nó. Anh có thể học mỹ thuật Yết Kiêu, anh có thể học cơ khí ở GTVT, học hóa in ở Bách Khoa, học PR quảng cáo ở HV Báo Chí, học đồ họa dựng video ở FPT... nhưng anh chẳng là cái gì hết khi đâm đầu vào nghề quảng cáo!

Vì không được dạy học bài bản, nghề quảng cáo kiểu cũ không có các định mức để đánh giá tay nghề của nhân viên do đó mức lương và các chế độ đãi ngộ cũng rất khác nhau. Đa số không ai biết giá trị của mình cũng như lương thì chủ nhìn nhau mà trả.

Chu trình của nghề thường diễn tiến theo hai cách thức sau:

1. Anh A làm quảng cáo, anh B đi theo làm nhân viên, hai anh em rượu vào thề non hẹn biển, vài năm sau anh B cứng là mở xưởng.

2. Anh A thiết kế giỏi/ sản xuất in/ nhôm kính/ mái tôn, inox/ làm quà tặng/ làm tổ chức sự kiện... lấn sân sang nghề quảng cáo.

3. Anh A học quản trị, tài chính, đã từng va vấp nghề, nhận thấy cơ hội, thuê nhân công, dồn vốn mở xưởng làm biển, in ấn này nọ. Có thể thành công, có thể không!

Chúng ta tự thừa nhận là đa số xuất phát điểm thấp nên bị coi là học ít, hiểu biết ít, kể cả người đang viết bài này, nhưng có một thực tế là người làm nghề quảng cáo thì khéo léo, ham học hỏi, tuy bằng cấp ít ỏi nhưng hiểu rộng rãi về nhiều công việc khác nhau như xây dựng, cơ khí, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ hóa sơn, hóa in, sửa chữa máy móc, điện dân dụng, điện tử, phần mềm,... bởi tư duy của người làm nghề này là "Nó làm được thì tao cũng (phải) làm được" "Chỉ cần nhìn là biết" "Mày dell ăn được tao đâu" "Nó đẹp hơn tao là nó đang xúc phạm"

Nếu Marketing là thứ xa vời, không liên quan?

Người làm nghề làm biển quảng cáo sẽ giống như con ếch ngồi đáy giếng

Việc không biết kiến thức về marketing khiến chúng ta lạc lõng trong các buổi trao đổi với khách hàng. Ta cảm thấy khó hiểu trước những khái niệm khách hàng đưa ra. VD khách nói về trade marketing, shoper marketing, ngành FMCG, các sản phẩm POSM...

Hiệu quả công việc thấp kém

Không biết hệ thống marketing vận hành và phối hợp với các bộ phận khác như thế nào, mà mình nằm ở đâu trong guồng quay đó, thì mình sẽ không thể cùng họ phối hợp với các bộ phận Sales, các nhà phân phối, các giám sát bán hàng... khác ra sao dẫn tới hiệu quả công việc giảm sút

Không có đủ tầm nhìn

Ở một tầm vĩ mô hơn, nó có thể là một trong những định hướng để những người làm quản lý đặt ra các bước kế hoạch trong tương lai cho hướng đi của mình trước những thay đổi không ngừng của ngành marketing số.

Social ra đời, nghe nhạc miễn phí, xem tin tức miễn phí, chơi game miễn phí, Youtube, Tiktok miễn phí, smart phone ai cũng có, hạ tầng internet phát triển, nội dung trên VTV, VTC ngày càng hấp dẫn người xem, sự miễn phí phải trả giá bằng xem quảng cáo, đó là xu hướng tất yếu. Các phương tiện kiểu cũ như quảng cáo ngoài trời OOH cũng như trưng bày tại điểm bán POSM đang trở nên yếu thế hơn. Dự đoán của Zenith năm 2021 OOH chỉ còn chiếm hơn 6% tổng chi phí cho quảng cáo nói chung. Liệu một ngày nào đó quảng cáo truyền thống sẽ về sát mức 0% không? Có thể. Và ta phải hiểu là sẽ phải đối mặt với nó!

------

Hôm nay đội ngũ lambienquangcaohn.net, bằng tất cả những kiến thức mà mình đã được học hoặc được trải nghiệm về marketing sẽ chia sẻ về mối liên hệ giữa marketing với nghề quảng cáo, thứ liên quan mật thiết với công việc hàng ngày của chúng ta. Kiến thức này có giá trị nhất định với các anh em từ thợ đi lên, đang dự định mở xưởng quảng cáo hoặc bắt đầu khởi nghiệp với nghề quảng cáo, hoặc thậm chí nó có thể có ích với cả những người đang hoặc sắp làm công tác quản lý trong các công ty quảng cáo.

Chúng tôi sẽ cố gắng dùng ngôn từ dễ hiểu nhất để các bạn hiểu. Đôi khi có thể nó pha chút hài hước.

Vậy câu hỏi lớn nhất: Marketing là gì?

Maketing dịch sang tiếng Việt là "dụ dỗ, cưa cẩm". Giống như cách mà bạn đang cưa cô gái rất xinh đẹp và bạn phải dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình để khiến cô ấy chú ý, rồi cô ấy sẽ đem lòng yêu bạn và sau đó sẽ toàn tâm toàn ý chiều lòng bạn. Khi có được sự phục vụ của cô ấy rồi, bạn cũng luôn phải nghĩ ra các mưu hèn kế bẩn để loại bỏ các tình địch của mình.

Marketing vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật, hay nói cách khác nó là khoa học của sáng tạo, mình làm nghề quảng cáo thì hiểu cái này.

(Nói đúng ra khái niệm về marketing bạn có thể đọc ở đâu đó khác với những gì tôi viết bởi vì nó được đưa ra bởi nhiều học giả khác nhau từ các trường đại học khác nhau)

Bạn sẽ hỏi ngay thế quảng cáo nằm ở vị trí nào trong marketing?

Đừng vội, ngay sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu một cách qua quýt về cách thức vận hành một chiến dịch marketing, các bộ phận liên quan, họ phối hợp với nhau như thế nào, liệu quảng cáo được coi là một phương tiện? Nó sẽ ra sao trước sự phát triển của quảng cáo phi truyền thống trong digital marketing?

Ông anh Clai ần và thằng em ây gần xi

Trong ngành marketing, ở một số các công ty lớn sản xuất các sản phẩm cũng như dịch vụ như Cocacola, Unilever, P&G họ có bộ phận chuyên môn hóa đặc biệt, trong đó có marketing, với rất nhiều chuyên viên siêu cấp (có nghĩa là cực giỏi, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực, IQ tầm 150 trở lên). Nguồn nhân lực của họ thường tuyển chọn từ sinh viên loại ưu của các trường Ngoại Thương, Kinh Tế, RMIT hoặc du học sinh. Họ xây dựng các chiến lược/ kế hoạch marketing và triển khai nó một cách rầm rộ nhanh chóng bằng nhiều cách thức thông minh và phương tiện khác nhau. Nghề quảng cáo của chúng ta là một trong các phương tiện của họ. Họ được gọi là Client (Viết hoa chữ C cho nó long trọng)

Những người làm Client luôn có một vị thế cửa trên so với các agency. agency là một vòng tròn các nhà cung cấp các dịch vụ phục vụ cho các mưu đồ của ngài Client nhằm thống trị thị trường. Đôi khi vì lý do cần triển khai nhanh, và lý do bảo mật thì các công ty Client lôi kéo nhân sự, mở mới hẳn một bộ phận agency ngay trong chính mình và họ tự lập kế hoạch cũng như tự triển khai chiến dịch marketing của họ. Ví dụ như Grab, Shoppee ...

Nhưng đa số các Client vẫn đặt hàng các agency, bởi họ có nhiều brands nên họ có thể đặt hàng nhiều hoặc tất cả các agency dưới đây triển khai chiến dịch cho họ. 

1. Các công ty PR, event:

Các công ty này thường có các mối quan hệ tốt với chính quyền, các publisher, là các đơn vị xuất bản nội dung như truyền hình, báo chí hay gần mình nhất là Facebook và Google... các mối quan hệ đó sẽ giúp họ xử lý các sự cố truyền thông, bảo vệ danh tiếng, uy tín của chúa tể Client trước các khách hàng thân yêu. Ví dụ như công ty Edelman

2. Production House:

Thông thường là các công ty quay phim, xử lý các đoạn video, âm thanh cho các kiệt tác tưởng tượng của Client. Ở một số định nghĩa khác thì các nhà in bạt, in offset... mà ta hiểu nằm trong ngành quảng cáo cũng được cho là một trong các production house agency.

3. Các công ty Research:

Các quyết định của Client đều dựa trên các con số, họ không áng chừng hay dựa trên cảm xúc. Muốn có con số thì họ phải có được data từ các công ty nghiên cứu thị trường kiểu dạng như Nielsen, Intage...

4. Các công ty Midea: 

"Midea" có nghĩa là truyền thông, nhưng midea chính hiệu có nghĩa giống như kiểu dịch vụ đặt quảng cáo hộ, mua các vị trí quảng cáo trên TV, website... midea được chúa tể Client giao rất nhiều tiền cho việc chạy quảng cáo, chiếm khoảng 70% tổng ngân sách. Việc đốt tầm 20 tỷ để chạy quảng cáo là chuyện bình thường. Group M là cái tên dẫn đầu tại VN. Việt Nam có một công ty duy nhất chen chân mảnh đất này là Đất Việt VAC

5. Các công ty Digital Marketing:

Các công ty này thường có nhiệm vụ sáng tạo nội dung bằng chữ, hình ảnh, đoạn phim ngắn trên các nền tảng social như Zalo, Youtube, Facebook, Tiktok... và thông qua đó củng cố, lan tỏa thương hiệu của Client tới các khách hàng. Ngoài ra bạn còn nghe thấy nhiều từ rất mới như chuẩn SEO, tạo App, copy/ content writer, infographic, UI/UX, Seeding, viral, influencer.... Nhân sự ngành này không hẳn cần phải biết về IT, họ có thể là nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ hay một người sáng tạo xuất thân từ bùn kiểu như bà Tưng, à nhầm bà Tân.

"Bởi sự phình to của internet cũng như công nghệ trên các thiết bị cầm tay. Người ta hằng ngày cắm mặt vào smart phone để xem tin tức, nghe nhạc, chơi game, và tương tác với nhau. Người bán có cửa hàng ảo của mình trên Lazada hay trên Facebook. Ta nhận ra mục số 5 này ác độc nhất, tương lai nó tuy không thể giết chết chính chúng ta nhưng lại khiến các công ty quảng cáo kiểu cũ doanh số đi xuống, đua nhau giảm giá, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lương và khi đoạn tuyệt dòng tiền thì dắt tay nhay nhảy xuống vực."

6. Event Activation:

Là công ty quảng bá các thương hiệu thông qua các hoạt động phát quà, dùng thử sản phẩm, giao lưu trao đổi với khách hàng thông qua các trò chơi, road show, biểu diễn lưu động tại siêu thị của PG, PB

7. Midea Publisher:

Là các đơn vị xuất bản đủ các tiêu chí có kênh, có khán giả, có nội dung: VTV, Zing, Facebook, Google... và họ sống bằng bán quảng cáo. Vì họ có lượng khán giả rất lớn và họ chủ động cung cấp nội dung nên đây là một trong đối thủ tiềm tàng cho phần còn lại của Agency

8. Các công ty Advertising:

Đây là các công ty quảng cáo truyền thống cung cấp các sản phẩm như quảng cáo trên TV, quảng cáo trên báo chí, tổ chức sự kiện, các phương tiện quảng cáo ngoài trời và trong nhà (OOH và POSM). Mấy khái niệm ở mục 8 này dân quảng cáo chúng ta bắt đầu thấy quen rồi. Ở Việt Nam có GoldSun, Đất Việt, Toàn Cầu, Vsmart, Kỷ Nguyên, Vinexad, Vinatafs...

Nhưng chưa hết.

Sau cùng là các công ty đó sẽ bắn việc lại cho chúng ta, tức là đặt hàng các xưởng sản xuất, xưởng in, cửa hàng quảng cáo mấy cái biển, mấy cái standee, mấy cái booth, mấy cái kệ rồi nắng nôi đi lắp đặt. Nhận được việc làm từ sếp đến nhân viên mặt mũi hoan hỉ. Thật vinh dự là chúng ta nằm dưới cấp của agency bị cho là cũ kỹ này, và chúng ta là những sinh vật sống ở tầng đáy đen ngòm.

 

Bài viết này có hai biểu đồ, một cái thể hiện sự tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo giai đoạn năm 2018-2021 đâu đó hơn 4 tỷ đô la trên toàn thế giới. Biểu đồ thứ hai thể hiện tỷ trọng về giá trị phân bổ cho kênh quảng cáo ngoài trời năm 2021 chiếm 6.4%. Và nếu so với năm 2018 thì đây được coi là bước thụt lùi.

2/3 người trẻ trong nghề ơi, bạn đâu, giơ tay lên tôi biết nào?

Trên kia chỉ là các câu hỏi về marketing, nhưng ở phần này tôi hỏi những người đang làm thợ và có ý đồ mở xưởng riêng để phát triển sự nghiệp của mình câu hỏi khác:

  • Bạn biết gì về quản trị nhân sự?
  • Bạn đã từng quản lý số tiền lớn nhất là bao nhiêu trong bao lâu?
  • Bạn đã vẽ một bản hòa sắc với màu nước lần nào chưa?
  • Bạn biết gì về ISO?
  • Bạn biết tiếng Anh (hoặc Trung) không?
  • ...

Anh, em sẽ tách ra riêng, em muốn mở xưởng quảng cáo, không thì em làm cơ khí...

Em biết gì?

Em biết PTS, Corel, biết căng biển lắp đặt anh ạ.... em còn mấy đứa bạn nữa...

Nhưng vấn đề là ai trong số chúng em trải qua các câu hỏi trên của anh?

Lời kết của người viết.

Tôi cho rằng nghề quảng cáo kiểu cũ sẽ suy giảm ở mức tương đối nhanh, nhanh như cái cách mà mỗi năm bạn thấy có một thế hệ Iphone mới ra đời vậy. Giờ đây người bán hàng không cần cửa hàng nữa, họ có Shopee, Lazada, Fanpage, Landingpage... Nếu bạn đang là người làm nghề quảng cáo kiểu cũ, nếu tố chất bạn chưa đủ, hoặc khi bạn chỉ là một người thợ quảng cáo và còn vướng mắc các điều kể ra ở trên, hãy dừng lại và cảm nhận hai tương lai đó và hãy cố gắng trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa sáng tạo nhiều hơn nữa cho đến khi vừa đủ cho ước mơ của chính mình. Khi thực hiện được ước mơ rồi, hãy cố gắng nhìn nhận ra mình là ai, mình đang sống ở thế giới nào (sống ở tầng đáy) và sự vận động của mình để ngoi lên mặt nước. Trong ý nghĩ của chúng ta, phía trên kia có một bầu trời đẹp, nhiều không khí trong lành tươi mát. Đừng ước mong, hãy bổ sung thêm nhiều kiến thức. Hãy tạo nó là động lực để thúc đẩy mình ngoi lên phía trước!

Xem thêm về nghề làm biển quảng cáo tại đây

Bình luận (2)

Văn Phùng
09 August, 2020

Thực ra ô Lâm nói z mà chẳng hiểu đ gì cả. Nói như ô thì cứ yêu nhao là cưới thôi, tìm hiểu kỹ làm gì mắc mệt, về sau gần ngày cưới xin lại thắc mắc đhs trên đầu có cái gì cương cứng.

Nguyễn Trương Lâm
18 July, 2020

Tôi cũng làm nghề quảng cáo lâu năm, thực ra marketing như ad nói tôi không thấy quá quan trọng với công việc của mình. Cứ bày vẽ ra vậy, bạn ad biết thêm về nó cũng có hơn được gì chúng tôi đâu? Khách đặt biển, đặt in là mình làm thôi.

Viết bình luận của bạn

Biển quảng cáo

Top